Khoa Luật TDTU tham dự Diễn đàn đối thoại về áp dụng luật lao động
Ngày 16/9, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị pháp luật về lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong vận dụng pháp luật và ổn định quan hệ người lao động. Tham dự Hội nghị có đại diện UBMTTQVN tỉnh, Sở KH- ĐT, Sở LĐTXH, phòng PA03, Công an tỉnh; có hơn 40 tổ chức hành nghề luật sư, 90 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, NCS. ThS. Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết: với mong muốn cung cấp thông tin và trang bị những kiến thức pháp lý về lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung giải đáp các quy định pháp luật, các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sử dụng lao động và áp dụng quy định pháp luật lao động, đồng thời đưa ra các ý kiến pháp lý, giải pháp cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong mối quan hệ lao động với người lao động.
Hôi nghị nhận được 14 bài tham luận từ các chuyên gia, luật sư, các giảng viên ngành Luật của các trường Đại học Luật trong và ngoài tỉnh.
Trao đổi tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thị Bích - Trưởng Bộ môn Luật lao động, trường Đại học Luật TP. HCM cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp khi tiến hành ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (NLĐ) hai bên có thỏa thuận tên gọi khác nhau như “hợp đồng dịch vụ”, “hợp đồng cộng tác viên”, “hợp đồng tư vấn”, “hợp đồng đại lý”...nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ. Do vậy, từ khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành, việc áp dụng quy định về nhận diện HĐLĐ đã đạt được kết quả nhất định, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Đối với vấn đề thỏa thuận bảo vệ bí mật doanh nghiệp trong HĐLĐ, Luật sư Lý Khánh Hòa cho rằng, hiện nay, pháp luật không cấm về vấn đề thỏa thuận này. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên xem xét việc hài hoà lợi ích của hai bên cho phù hợp,. Trường hợp nếu doanh nghiệp cấm người lao động không được tham gia công ty, lao động khác trong thời hạn 12 tháng để hạn chế lộ, lọt bí mật kinh doanh thì sẽ vi phạm Hiến pháp, pháp luật người lao động. Do vậy, doanh nghiệp nếu có thỏa thuận thì cần có nghĩa vụ bù đắp tài chính cho NLĐ trong thời gian NLĐ nghỉ việc không có việc làm.
Đối với các doanh nghiệp, để quản lý tốt NLĐ, Luật sư Cao Thị Thanh Vân cho rằng doanh nghiệp cần có bản mô tả chi tiết công việc, có công cụ đánh giá hiệu quả công việc đánh giá theo tuần, quý, tháng, năm để giảm thiểu tranh chấp với người lao động và đánh giá được hiệu quả công việc của bất kỳ vị trí nào đối với NLĐ...
Diễn đàn đối thoại nhận được sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham dự đều có bộ phận pháp chế tham gia diễn đàn và đưa ra các câu hỏi liên quan đến doanh nghiệp của mình nhờ các luật sư tư vấn. Qua hội nghị là dịp để các doanh nghiệp vận dụng tốt pháp luật lao động trong duy trì và ổn định quan hệ lao động tại các doanh nghiệp, hạn chế các tranh chấp lao động, qua đó giảm thiểu áp lực, gánh nặng cho Tòa án trong giải quyết các vụ việc về tranh chấp lao động trong thời gian tới.
Theo Bảo vệ Công lý
(https://baove.congly.vn/dien-dan-doi-thoai-ve-ap-dung-luat-lao-dong-thu-hut-nhieu-doanh-nghiep-tham-gia-394680.html)
- Log in to post comments