Nhảy đến nội dung
x

Vị luật sư đầu tiên của Việt Nam

1. Vài nét về tiểu sử:
Luật sư Phan Văn Trường (1876 – 1933) quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị Thực dân Pháp xâm lược, ông đã nuôi trong mình khát khao mang đến hòa bình độc lập cho đất nước. Người con thủ đô, với học thức uyên thâm, nhận thức tiến bộ đã không ngừng học hỏi, phấn đấu theo học ngành luật và trở thành luật sư đầu tiên của đất nước Việt Nam.
Con đường học tập của ông đã trải qua một quá trình đầy vất vả, nhưng với sự nỗ lực và không ngừng phấn đấu đã đem đến những thành tựu đáng nể. Năm 1908, sau khi từ biệt quê hương, ông đến Marseille làm chân phụ giảng tiếng Việt tại trường Ngôn ngữ Phương Đông của Pháp. Ông vừa dạy vừa ghi danh học Luật và Văn khoa, rồi thi đỗ cử nhân của hai ngành vài năm sau đó.

2. Quá trình hoạt động
Năm 1912, ông tham gia đoàn Luật sư Paris và hành nghề ở tòa thượng thẩm, cũng năm đó ông cùng cụ Phan Chu Trinh sáng lập nên “Hội đồng bào thân ái” – Hội người Việt đầu tiên trên thế giới.
Ngày 12/9/1994, ông bị Thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao quân đội Cherche Midi rồi bị đưa ra tòa án binh xét xử nhưng rồi được thả tự do vào 7/1915 nhờ sự vận động của hội Nhân quyền và Đảng Xã hội (Pháp) thời bấy giờ.
Năm 1918, ông tiếp tục con đường luật học và trở thành tiến sĩ luật hình đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1919, ông cùng các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền viết Bản yêu sách 8 điểm gửi tới hội nghị hòa bình ở Versailles, trong đó Phan Văn Trường được coi là người chắp bút nên văn bản này.
Năm 1923, ông từ bỏ tất cả trở về nước tiếp tục đấu tranh vì độc lập nước nhà. Ngày 21/7/1927, ông bị bắt và khám nhà với tội danh “kích động dân bản xứ nổi loạn” tuy nhiên sau đó ông được tại ngoại. Tháng 8/1929, ông bị Tòa thượng thẩm Paris xử y án 2 năm tù giam. Năm 1931, ông được mãn hạn tù rồi trở về Sài Gòn tiếp tục đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam. Thế nhưng, con người đó đã không thể tiếp tục thực hiện lí tưởng cao cả bởi cơn bạo bệnh đã cướp đi mạng sống của ông vào ngày 22/4/1933 tại Hà Nội.

3. Những thành tựu nổi bật
Luật sư Phan Văn Trường được coi là “kiến trúc sư” của Bản yêu sách 8 điểm hay còn gọi là Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam được trình bày tại hội nghị Hòa Bình ở Versailles, năm 1919.
Ông là người sáng lập hội người Việt đầu tiên trên thế giới với tên gọi là “Hội đồng bào thân ái” vào năm 1912.
Năm 1923, ông cùng Nguyễn An Ninh đứng ra tổ chức hội Thanh niên Cao vọng. Thời gian này, hai người còn cho xuất bản báo Chuông rè ( La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L‘Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn.
Ông đã cho đăng một số bài của các báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Diễn đàn thông tin quốc tế.
Ông còn là người đầu tiên đăng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Karl Marx và Friedrich Engels trên báo.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là Pháp luật lược luận, nhà in Xưa – Nay, Sài Gòn, 1926.
Về văn hóa, ông là người đầu tiên chính thức đề xướng việc dùng chữ Quốc ngữ là văn tự cho người Việt.


Trên đây là vài nét về luật sư Phan Văn Trường – vị “tổ nghề”, luật sư đầu tiên của Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong kết hợp nghề luật và nghề báo vào chung một con đường, đó là con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Dù năm tháng có trôi qua, ông vẫn mãi là tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo, đặc biệt là các bạn đã, đang và sẽ đam mê theo đuổi ngành luật.

*****

Tài liệu tham khảo:
1. http://dantri.com.vn/dien-dan/nho-ve-ong-luat-su-phan-van-truong-1413314214.htm, tham khảo ngày 10/11/2016.
2.http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/gioi-luat-su-viet-nam-dang-huong-tri-an-vi-to-nghe-a112447.html, tham khảo ngày 10/11/2016.
3. GS. Nguyễn Phan Quang, Ths. Phan Văn Hoàng, Luật sư Phan Văn Trường, Nxb. Thanh niên.