Nhảy đến nội dung
x

4 điều lưu ý dành cho sinh viên ngành Luật

1.     Học luật phải cháy hết mình bằng tình yêu với luật?
⦁    Nhiều người nói với tôi rằng học luật cần phải có sự đam mê. Tôi thừa nhận những người học luật với tất cả sự đam mê và thích thú chắc chắn học sẽ nhanh hơn và ít “khổ” hơn những người khác. Tuy nhiên không phải lúc nào tôi cũng thấy những người như vậy, thay vào đó là “Em học luật vì gia đình em khuyên thế”, “Em học luật vì nhà có người làm trong ngành luật”, “Em học luật vì em không đủ điểm vào trường khác”… . Tuy nhiên không dễ để nói yêu một cái gì đó khi mà các bạn còn chưa rõ về nó. Khó có thể yêu cầu một bạn học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba, vừa trải qua một quá trình ôn thi kéo dài có thể thật sự hiểu về ngành luật hay là công việc của một luật sư. Tôi thậm chí đã làm trong ngành luật hơn 5 năm nhưng nhiều khi phải thốt lên rằng cuộc đời ơi, ngành luật ơi sao mà phức tạp đến thế. Vì vậy, theo quan điểm riêng, đam mê là một điều cần thiết và sẽ là lợi thế đối với một số người học luật. Tuy nhiên, nếu như bạn chưa có được sự đam mê đó thì theo tôi đừng quá vội bi quan vì:
⦁    Việc am hiểu pháp luật rất có ích cho dù sau này các bạn lựa chọn hướng đi nào chăng nữa.
⦁    Với một tấm bằng cử nhân luật những lựa chọn nghề nghiệp của bạn cũng đa dạng hơn rất nhiều. Đây có thể là một lựa chọn với nhiều bạn trẻ khi mà các bạn còn chưa định hướng được năng lực và sở thích của chính mình. Sau này khi thấy mình thích một ngành khác, ai cấm các bạn rẽ hướng cơ chứ.  

2.  Học luật có khó không?
⦁    Dĩ nhiên là học luật khó chứ. Cái người học luật học lại là những mối quan hệ giữa con người với con người, do đó không thể nói là nó đơn giản được. Tất nhiên cái gì cũng có tính tương đối của nó, khi học luật hãy đừng suy nghĩ tiêu cực về nghề luật của chúng tôi như vậy nhé, bởi vì:
⦁    Các quy định pháp luật nhiều lắm, tôi làm luật hơn 5 năm mà bảo tự nhiên đọc thuộc một điều luật nào là một điều không tưởng. Hiện tại bạn có thể dễ dàng tìm thấy các quy định pháp luật trên internet. Vấn đề là bạn hiểu và áp dụng chúng có chính xác hay không mà thôi.
⦁    Học luật quan trọng là các bạn rèn luyện được một tư duy phân tích và phản biện. Đó là khi tiếp xúc với một vấn đề bạn cần chọn lọc, xâu chuỗi các thông tin, đặt ra các vấn đề và giải quyết các vấn đề liên quan.

3.  Thành công rồi tôi sẽ thuê phiên dịch?
⦁    Thế hệ của tôi ngoại ngữ là một lợi thế nhưng có lẽ đối với những bạn trẻ đọc bài viết này có lẽ lại là một điều bắt buộc. Các bạn còn chưa biết đâu, tuổi cầu thủ bóng đá chỉ cùng lắm đến 35 thôi trong khi tuổi nghề trong ngành luật thì dài lắm. Tôi còn thấy những luật sư hơn 70 tuổi còn xông xáo tại các tòa mà gừng càng già càng cay nhé. Trong khi đó, mỗi năm hơn 4000 sinh viên luật mới ra trường. Cạnh tranh việc làm trong ngành luật đang trở nên ngày càng gay gắt hơn bao giờ hết. Thử nghĩ các bạn sẽ có gì để so sánh với các bậc đàn anh đàn chị đầy đủ kinh nghiệm trong cạnh tranh việc làm đây. 
⦁    Vì vậy ngay từ năm nhất nên tận dụng thời gian khi chưa có quá nhiều áp lực từ các môn chuyên ngành, tự trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ pro là điều nên và cực kỳ nên làm đấy.

4.   Nên sớm tìm kiếm cơ hội thực tập trong môi trường làm việc thực tế
⦁    Kiến thức là cái chúng ta có thể cập nhật khi còn là sinh viên cũng có thể tự cập nhật trong quá trình làm việc. Nhưng ngược lại, kỹ năng phân tích vấn đề, xử lý tình huống chỉ có thể được bồi đắp qua môi trường và những công việc thực tế. Do đó, các bạn nên chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đi thực tập ngay khi có thể. Liên quan đến vấn đề này, sinh viên luật cần lưu ý:
⦁    Việc thực tập như nói ở trên chỉ bao gồm thực tập tại các công ty luật, các phòng pháp chế, tòa án hay viện kiểm sát. Việc làm tại các quán cafe, bán thời gian cũng có những lợi ích nhất định nhưng không thuộc phạm vi nói đến ở bài này.
⦁    Khi thực tập nên có thái độ cầu thị. Những công việc như xử lý văn bản, photo, sắp xếp tài liệu sẽ làm các bạn chán nản. Nhưng bên cạnh đó chúng ta có thể tiếp xúc cách các luật sư xử lý các tình huống trên thực tế, quản lý công việc, tranh luận. Việc giao tiếp, va chạm hàng ngày cũng là cơ hội để khắc phục tâm lý nhút nhát hay thấy ở các bạn sinh viên.
 

Nguồn: thegioiluat.vn