Nhảy đến nội dung
x

Quy định mới về chế độ của người lao động từ năm 2021

1. Không được ép người lao động dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc đơn vị khác
Tại khoản 2, Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định. Trong khi đó, tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 (hết hiệu lực ngày 01/01/2021) không có quy định này. Có thể thấy, theo quy định mới, người lao động có toàn quyền tự quyết chi tiêu lương của mình mà không bị hạn chế hay can thiệp bởi người sử dụng lao động.

2. Phải thông báo bảng kê lương cho người lao động mỗi lần trả lương
Cụ thể, tại Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc trả lương cho người lao động như sau: Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). Đây là một nội dung mới so với Bộ luật Lao động 2012. Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 cũng nêu rõ người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.

3. Người sử dụng lao động phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng
Theo đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản. Như vậy, từ năm 2021, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả phí mở tài khoản và phí chuyển tiền lương đối với hình thức trả lương cho người lao động qua tài khoản ngân hàng.

4. Chậm trả lương trên 15 ngày, người lao động được nhận thêm một khoản tiền
Cụ thể, tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. Theo đó, từ năm 2021 nếu bị chậm trả lương từ 15 ngày trở lên người lao động sẽ được nhận thêm một khoản tiền ngoài tiền lương được trả. Đây là quy định mới so với Bộ luật Lao động 2012.

5. Thêm thời gian người lao động được nghỉ lễ Quốc khánh và hưởng nguyên lương
Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 chỉ cho phép người lao động được nghỉ lễ Quốc khánh hưởng nguyên lương trong 01 ngày (ngày 02/9 dương lịch). Từ năm 2021, người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau) theo điểm đ, khoản 2, Điều 112 Bộ luật Lao động 2019.

6. Bổ sung trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương
Theo điểm c, khoản 1, Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong trường hợp “cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết”. Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 không quy định người lao động được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương nếu cha nuôi, mẹ nuôi của mình; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng, con nuôi chết (điểm c, khoản 1, Điều 116). Cần lưu ý, người lao động phải thông báo với người sử dụng lao động khi thuộc các trường hợp nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương theo quy định tại khoản 1, Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.

Nguồn: Tổng hợp