Nhảy đến nội dung
x

Đề nghị phạt người nước ngoài nhập cảnh trái phép lên đến 75 triệu đồng

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng từng ngày số ca nhiễm bệnh không có dấu hiệu giảm xuống mà ngày một tăng thêm thì việc người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta với số lượng lớn, đặc biệt hơn có khá nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép thống kê chỉ trong 7 tháng đầu năm có 16.000 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đây là một tình trạng đáng lo ngại cần có biện pháp xử lí và khắc phục triệt để.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị nâng mức phạt tối đa với người nước ngoài nhập cảnh trái phép lên mức phạt tối đa 75 triệu đồng. Ngoài ra:

Phạt cả nơi để người nước ngoài ở chui 
Ông Nguyễn Văn Giàu hoan nghênh ngành tư pháp một số tỉnh trong đó có Quảng Ninh xét xử 6 người môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với mức phạt rất cao, 25 năm tù cho 6 bị cáo. Hành vi cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú, không hướng dẫn người nước ngoài khai báo tạm trú theo quy định cũng bị phạt tới 2 triệu đồng. Ngoài mức phạt tiền, có biện pháp bổ sung là tịch thu tang vật, trục xuất và các chế tài hình sự đã quy định trong bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, ông Giàu đề nghị nâng mức phạt tối đa với hành vi vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú đi lại từ 30-40 triệu lên  75 triệu đồng. Đồng thời, cần phải quy định xử phạt với chủ các khu lưu trú cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép ở. Vì Luật Cư trú hiện nay mới chỉ quy định với người Việt Nam mà chưa quy định với người nước ngoài trong khi đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm.

2 phương án về cắt điện nước nơi vi phạm hành chính
Một số ý kiến không đồng tình bổ sung biện pháp này thì cho rằng, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự. Vì vậy, biện pháp "cắt điện nước" cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Loại ý kiến đồng tình thì cho rằng, việc bổ sung biện pháp này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cần quy định rõ biện pháp trên chỉ được áp dụng tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đồng thời, giới hạn việc áp dụng biện pháp này trong 2 lĩnh vực có yêu cầu bức thiết nhất là xây dựng và bảo vệ môi trường và bổ sung quy định việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác không liên quan đến vụ việc vi phạm hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các lập luận được đưa ra thuộc loại đồng ý và không đồng ý với biện pháp cắt điện nước đều có tính hợp lý riêng. Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau nên nội dung này vẫn sẽ trình hai phương án để Quốc hội tiếp tục thảo luận và nếu cần thiết thì lấy phiếu để đại biểu Quốc hội quyết định.

Nguồn: Vietnamnet